TCty xi măng Việt Nam (VNCC): Vững bước phát triển và hội nhập
Mới đây, ngành xi măng đón nhận Huân chương Anh hùng Lao động trong
thời kỳ đổi mới- phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước tặng thưởng.
Ngay sau khi ra đời vào năm 1980, với tài sản ban đầu của VNCC chỉ có 2
nhà máy xi măng cũ là: Hải Phòng và Hà Tiên, trình độ công nghệ lạc hậu
và năng lực sản xuất chỉ đạt 0,67 triệu tấn xi măng/năm. Đứng trước yêu
cầu sự nghiệp CNH - HĐH đất nước trong công cuộc đổi mới, nhiệm vụ đặt
ra cho ngành xi măng hết sức nặng nề, phải làm sao phát triển hiện đại
hoá nhanh chóng, đáp ứng mọi nhu cầu xi măng của toàn xã hội. Đầu năm
80, ngành xi măng VN có thêm nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch đi
vào hoạt động.
Đầu tư phát triển
Trong giai đoạn năm 1995, lãnh đạo VNCC đã quyết tâm huy động nguồn lực
nội bộ và tự vay tự trả thực hiện nhanh tích tụ, tập trung vốn để đẩy
mạnh đầu tư tăng trưởng năng lực sản xuất, đầu tư chiều sâu, đổi mới
công nghệ xây dựng các nhà máy mới với công nghệ tiên tiến hiện đại
phát triển lớn mạnh như: Xi măng Bút Sơn, Hải Phòng mới... hàng năm
cung ứng hơn 12 triệu tấn xi măng đảm bảo cân đối lớn của nhà nước,
giảm dần việc nhâp khẩu clinker, đáp ứng nhu cầu xi măng trên thị
trường và bình ổn giá cả thị trường xi măng trong nước. Sản lượng xi
măng của VNCC hàng năm đều vượt kế hoạch được giao và năm sau cao hơn
năm trước, đặc biệt 10 năm gần đây: Nếu như năm 1995 mới đạt 5 triệu
tấn, đến năm 2005 đã đạt gần 13 triệu tấn, tăng trên 2,5 lần, chất
lượng ngày được nâng cao, lợi nhuận ổn định đã tạo ra nguồn lực tài
chính quan trọng cho VNCC đầu tư và phát triển, đảm bảo đủ nguồn vốn
trả nợ cho các dự án theo đúng kỳ hạn đã cam kết.
Với đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật
của TCty có trên 16 nghìn người đã có đủ khả năng vận hành được các nhà
máy có công suất lớn với dây chuyền công nghệhiện đại. Đồng thời, VNCC
đã tham gia liên doanh với các đối tác đầu tư nước ngoài xây dựng 3 nhà
máy: Xi măng Chinfon 1,4 triệu tấn/ năm, Holcim 1,76 triệu tấn/năm,
Nghi Sơn 2,2 triệu tấn/năm, nhằm mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước
ngoài, và phát triển ngành công nghiệp xi măng VN đáp ứng nhu cầu xi
măng trong nước, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc
tế.
Chủ động vượt khó
Nhiều năm qua, giá bán xi măng của ngành vẫn ổn định nhưng giá vật tư
thiết bị, than, xăng dầu, bao bì, ngoại tệ, clinker và thạch cao nhập
khẩu lại liên tục tăng cao và không ổn định, khiến giá thành sản xuất
của ngành ngày càng tăng cao. Cụ thể, giá clinker nhập khẩu đầu năm
2004 là 25 USD/tấn thì nay tăng lên 28 USD/tấn. để đảm bảo nguồn
clinker sản xuất xi măng, phát huy tối đa năng lực nghiền, dự kiến năm
nay VNCC phải nhập khẩu từ 1,5 - 2 triệu tấn. Hệ quả tất yếu nghịch lý
là VNCC ngày càng sản xuất nhiều xi măng nhưng lợi nhuận không tăng
theo, thậm chí giảm đi. Chưa kể các nhà máy xi măng Hoàng Mai, Tam Điệp
được VNCC tiếp nhận từ các địa phương đều đang trong giai đoạn trả nợ
vay lớn. Riêng nhà máy xi măng Hoàng Mai lỗ sản xuất kinh doanh và
chênh lệch tỷ giá 294 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận năm 2005 của VNCC sẽ
chỉ bằng 50% lợi nhuận năm 2004. Những khó khăn chồng chất, song lãnh
đạo VNCC đã tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất để
có đủ xi măng cung ứng cho thị trường với giá xi măng ổn định.
Trong giai đoạn 2006 - 2010, toàn ngành xi măng phải đảm bảo chỉ tiêu
cung ứng xi măng ra cho trường là 48,6 triệu/tấn vào năm 2010 chiến
lược phát triển ngành sản xuất xi măng. Với 20 nhà máy hiện đang xây
dựng, tổng công suất các nhà máy là hơn 30 triệu tấn/năm. Trong đó VNCC
chiếm 50% thị phần (không kể sản lượng góp vốn liên doanh). Các dự án
đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất xi măng phấn đấu thực hiện để
đến năm 2010 phải đạt các chỉ tiêu tiên tiến về tiêu hao nhiên liệu,
nồng độ bụi của khí thải, cường độ tiếng ồn, mức độ tự động hoá, tỷ lệ
chế tạo trong nước, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hoá các chủng
loại xi măng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hạ giá thành cạnh tranh được
với xi măng trong khu vực và trên thế giới.
Với truyền thống nhiều năm liên tục hoàn thành thắng lợi các mục tiêu
kế hoạch sản xuất, kinh doanh Nhà nước giao, tập thể cán bộ công nhân
viên, ban lãnh đạo, công đoàn... đã được Nhà nướctặng nhiều phần thưởng
cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất,
nhì. Trong thời gian tới, VNCC vững bước đi lên trên con đường phát
triển và hội nhập xứng đáng với phong tặng của nhà nước: Anh hùng Lao
động trong thời kỳ đổi mới.
|